Tầm nhìn trên được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra trong một hội nghị về y tế cơ sở hôm qua. Hiện 26 trạm y tế cơ sở kiểu mẫu đã được thí điểm ở 8 tỉnh thành. 700 trạm khác bắt đầu triển khai trên cả nước. Các trạm này được đầu tư trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ, nâng chất lượng khám chữa bệnh để người dân yên tâm điều trị bệnh, hạn chế vượt tuyến.
Bộ trưởng Tiến kỳ vọng: "Với sự phát triển của mạng lưới y tế xã phường, bệnh nhân nhẹ sẽ được chăm sóc ở nơi gần nhất, tránh tốn kém tiền bạc, thời gian đi lại".
Thực tế vẫn tồn tại là người dân chưa tin tưởng chất lượng khám chữa bệnh ở trạm y tế xã nên vượt tuyến chữa bệnh. Ít nhất 30-40% bệnh nhân điều trị tuyến tỉnh có thể về chữa tại huyện nhưng không về. Trong khi đó, bệnh viện tuyến trung ương thì quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Việc chữa bệnh vượt tuyến, đi lại xa gây tốn kém cho xã hội và người dân.
"Có bệnh nhân chỉ kiểm tra đường huyết thôi nhưng đi từ Khánh Hòa vào TP HCM để test, người chỉ chữa bệnh đau đầu cũng phải từ miền Tây lên Bệnh viện Chợ Rẫy. (Đi như vậy) không cần thiết bởi tuyến cơ sở cũng xử lý được các bệnh lý này", bà Tiến nói.
Theo bà Tiến, tuy còn những bất cập, Việt Nam vẫn được các chuyên gia Liên Hợp Quốc đánh giá là có "mạng lưới y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất".
Việt Nam hiện có 47 bệnh viện tuyến trung ương, 419 bệnh viện tỉnh, 40 phòng khám chuyên khoa và 295 phòng khám đa khoa; 684 bệnh viện huyện. Ngoài ra còn có gần 11.800 trạm y tế và gần 92% thôn bản có nhân viên y tế. Hệ thống y tế cơ sở quản lý gần 14% người bệnh tăng huyết áp, 29% người bệnh đái tháo đường. Các tỉnh thành Hà Nội, Hà Tĩnh... đang thí điểm lập hồ sơ sức khỏe, bao trùm 80% dân số mỗi địa phương.